Do không có tính khả thi nên quy định xử phạt xe không chính chủ vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố tạm rút khỏi Dự thảo Nghị định (lần 2) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
>> Xác minh “xe không chính chủ” là quá sức CSGT
Chiều nay 11/3, phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho hay, quy định xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được khẳng định trong Luật hiện hành, các Nghị định trước đây (Nghị định 15, Nghị định 34, Nghị định 71). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 71, điều khoản xử phạt này không có tính khả thi nên đề nghị Ban soạn thảo cần đưa điều khoản ra khỏi Nghị định.
Quy định xử phạt xe không chính chủ thiếu tính khả thi nên Bộ GTVT đã rút khỏiDự thảo Nghị định 71 sửa đổi
Bộ trưởng Thăng khẳng định: “Mức phí xử phạt tăng lên quá cao và quá trình triển khai thực hiện điều khoản này quá khó nên tính khả thi của điều khoản xử phạt không cao. Bộ GTVT và các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng những văn bản pháp luật một cách đồng bộ, khi xét thấy việc xử phạt có tính khả thi cao, khi hệ thống văn bản hướng dẫn được đầy đủ thì mới đề nghị bổ sung vào Nghị định 71 hoặc đưa vào văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp hơn, công khai và minh bạch hơn”.
Mặc dù việc xác minh là của người thực thi công vụ, người sử dụng phương tiện không liên quan đến quy trình đó, nhưng Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh quy trình xác minh có chuyển chủ hay không chuyển chủ phải rõ. Hiện nay do chưa rõ ràng nên rất dễ dẫn tới tình trạng người tham gia giao thông bị xử phạt vi phạm một hành vi nhưng kéo theo việc phải xác minh có đúng là đã chuyển chủ hay chưa chuyển chủ.
“Người tham gia giao thông vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, họ thực hiện quyết định xử phạt hành chính và đến nộp phạt ngay để lấy xe đi, nhưng người thực thi công vụ chưa chứng minh được phương tiện đã chuyển chủ hay chưa chuyển chủ và tiếp tục giữ lại, khi đó là gây phiền hà cho người dân” - Bộ trưởng Thăng lập luận.
Người đứng đầu ngành giao thông cũng lưu ý đến Ban soạn thảo Nghị định rằng lấy ý kiến là phải lắng nghe, khi rất nhiều người dân phản đối hay đồng tình đều phải tiếp thu những ý kiến đó.
Trong một diễn biến liên quan, ông Trần Sơn Hà - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) - cho rằng: Quy định chuyển quyền sở hữu phương tiện vẫn được Bộ Công an thực hiện lâu nay và người dân vẫn chấp hành tốt, chỉ khi có sửa đổi Nghị định 71 mức phí tăng cao nên người dân mới phản ứng.
Dù vậy, ông Hà cho biết cần thiết phải đưa quy định xử phạt đối với xe không chủ vì các văn bản quy phạm pháp luật trước đó đã có (tránh tình trạng Luật đã làm không chuẩn nên không đi vào cuộc sống được hoặc đưa vào Luật mà không thực hiện được), thực tế trong các vụ án hình sự và điều tra tai nạn giao thông cần thiết phải có. Đây cũng là việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nâng cao sự chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước...
Cũng theo ông Hà, khi đưa vào Nghị định 71 thì không xử phạt đối với những người mượn phương tiện (người thân trong gia đình, bạn bè) nhưng nếu chủ phương tiện giao cho người không đủ năng lực điều khiển phương tiện gây tai nạn thì phải xử phạt.
Như vậy, tuy Bộ GTVT đã rút quy định xử phạt xe không chính chủ ra khỏi Nghị định 71, nhưng các Bộ ngành liên quan vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nếu Ban soạn thảo Nghị định này không thống nhất được thì theo quy trình sẽ phải báo cáo Chính phủ để lấy ý kiến biểu quyết.
Theo Dantri